AstraZeneca đầu tư 400 triệu USD vào phục hồi rừng và đa dạng sinh học trên toàn cầu vì lợi ích cho sức khỏe con người và ứng phó với biến đổi khí hậu

AstraZeneca vừa công bố khoản đầu tư trị giá 400 triệu USD (tương đương khoảng 9,4 nghìn tỷ VND) vào chương trình có quy mô toàn cầu mang tên AZ Forest của tập đoàn, nâng tổng cam kết lên 200 triệu cây xanh được trồng tới năm 2030 và duy trì lâu dài. Khoản đầu tư này bao gồm các dự án mới hoặc dự án mở rộng tại Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Ghana và Rwanda, nhằm đóng góp vào những nỗ lực của AstraZeneca trong việc chống biến đổi khí hậu, phục hồi thiên nhiên, tăng cường đa dạng sinh học, và nâng cao tính chống chịu của hệ sinh thái và cộng đồng, dự kiến trên hơn 100.000 héc-ta đất trên toàn thế giới.

Khoản đầu tư này nối tiếp cam kết ban đầu của chương trình AZ Forest do AstraZeneca khởi xướng năm 2020 để trồng và duy trì hơn 50 triệu cây xanh cho tới năm 2025. Sáng kiến này của tập đoàn nhằm ghi nhận mối liên kết chặt chẽ giữa sức khỏe của con người và sức khỏe của hành tinh.1 Tại Úc, Indonesia, Ghana, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Pháp, chương trình này đã được triển khai nhanh chóng với hơn 300 loài cây khác nhau, góp phần khôi phục đa dạng sinh học và các môi trường sống tự nhiên.2 Sự mở rộng của AZ Forest ước tính sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương, tác động tích cực đến sinh kế của 80.000 người.

Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn AstraZeneca, Ngài Pascal Soriot, cho biết: “Cuộc khủng hoảng kép gây ra do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đang gây tổn hại đến hành tinh và sức khỏe con người. Thông qua AZ Forest, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng địa phương và chuyên gia sinh thái để thực hiện phục hồi rừng trên quy mô lớn, cũng như hỗ trợ đa dạng sinh học và duy trì sinh kế cho người dân. Theo cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học của chúng tôi, AZ Forest sẽ loại bỏ khoảng 30 triệu tấn khí thải các-bon khỏi bầu khí quyển trong 30 năm tới”.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và Các thị trường mới nổi Khu vực Châu Á, chia sẻ: “Tôi rất vui mừng được chứng kiến bước tiến mạnh mẽ này của chương trình tiên phong AZ Forest, và tự hào rằng Việt Nam nằm trong giai đoạn mở rộng mang tính cột mốc này. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi sẽ đầu tư tới 50 triệu USD (1,2 nghìn tỷ VND) trong năm năm tới để trồng 22,5 triệu cây xanh, cũng như khôi phục rừng và cảnh quan của đất nước. Sáng kiến này dự kiến sẽ tạo ra tác động tích cực, đáng kể và lâu dài đối với nền kinh tế, cộng đồng và môi trường tại Việt Nam”.

AZ Forest là một chương trình thuộc chiến lược phát triển bền vững mang tên “Tham vọng Không Các-bon” của AstraZeneca, nhằm tập trung giảm sâu phát thải các-bon, đóng góp cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5°C của Thỏa thuận Paris. Hiện Tập đoàn đang triển khai đúng tiến độ trong lộ trình giảm 98% lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động và các loại xe được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2026, và giảm một nửa dấu chân các-bon của toàn bộ chuỗi giá trị của tập đoàn vào năm 2030, tiến tới giảm tuyệt đối 90% lượng phát thải, và phát thải ròng bằng không dựa trên cơ sở khoa học muộn nhất vào năm 2045.2,3 Thông qua AZ Forest, AstraZeneca đặt mục tiêu sẽ loại bỏ lượng khí thải còn lại trong khí quyển từ năm 2030 trở đi.

Các dự án của AZ Forest được đồng thiết kế bởi các chuyên gia lâm nghiệp, cộng đồng địa phương và chính phủ các nước nhằm phục hồi rừng tự nhiên, phát triển sản xuất nông lâm kết hợp, từ đó đem lại các đồng lợi ích như tạo thêm việc làm, phát triển kỹ năng mới, bảo tồn và khôi phục các loài động, thực vật bị đe dọa hay có nguy cơ tuyệt chủng, và cải thiện sức khỏe cộng đồng.4 Các dự án sẽ được kiểm tra và đánh giá bởi các đối tác hàng đầu thế giới và các chuyên gia bên thứ ba độc lập, bao gồm Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI).Thuộc cam kết phục hồi rừng, AstraZeneca đã hợp tác với EFI và Liên minh Kinh tế Sinh học Tuần hoàn (CBA) để thiết lập khung cơ sở dựa trên khoa học, lần đầu tiên được hình thành, về phương pháp phục hồi cảnh quan bền vững, có tính chống chịu cao và phù hợp với địa phương. Khung cơ sở ‘Các Nguyên tắc Phục hồi Cảnh quan’ sẽ giúp phát triển các chuỗi giá trị kinh tế sinh học tuần hoàn và khôi phục đa dạng sinh học.5

Vào tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn chia sẻ rằng dự án AZ Forest của AstraZeneca tại Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 về phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Chương trình AZ Forest cũng sẽ đóng góp vào Đề án trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025 trong khuôn khổ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam.

AZ Forest cũng đóng góp vào sáng kiến 1t.org (một nghìn tỉ cây xanh) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – một hợp tác công tư nhằm bảo tồn, phục hồi và trồng một nghìn tỷ cây xanh tới năm 2030.

 

Thông cáo báo chí phát hành bởi agency Truyền thông EloQ.