Dữ liệu đời thực chứng minh vắc xin đạt hiệu quả 92% trong việc giảm tỉ lệ nhập viện do biến thể virus Delta
Theo công bố từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), vắc xin COVID-19 của Astrazeneca đat hiệu quả bảo vệ cao đối với biến thể Delta (B.1.617.2; còn được biết đến là biến thể ‘Ấn Độ’).
Dữ liệu đời thực từ PHE, được công bố dưới dạng bản in trước xuất bản, chứng minh hai liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có hiệu quả 92% trong việc giảm số ca nhập viện do biến thể Delta và cho thấy không có trường hợp tử vong trong số những người được tiêm chủng. Vắc xin cũng đạt được hiệu quả cao đối với biến thể Alpha (B.1.1.7; còn được biết đến là biến thể ‘Kent’), giúp giảm 86% số ca nhập viện và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.
Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy, đối với bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ, hiệu quả của vắc xin đạt thấp hơn nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng. Hiệu quả của vắc xin trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng là 74% đối với biến chủng Alpha, và 64% đối với biến chủng Delta.
Hiệu lực cao trong giảm tỉ lệ bệnh nặng và nhập viện gần đây được củng cố thêm bằng các dữ liệu đáp ứng tế bào T mạnh sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, cho thấy có mối tương quan với tác dụng bảo vệ cao và kéo dài.
Mene Pangalos, Phó Chủ tịch điều hành BioPharmaceuticals R&D thuộc AstraZeneca, cho biết: “Bằng chứng đời thực này cho thấy vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca đạt hiệu quả bảo vệ cao chống lại các biến thể Delta, hiện đang là mối quan tâm hàng đầu do tốc độ lây nhiễm nhanh. Dữ liệu cho thấy vắc xin này sẽ tiếp tục có tác động đáng kể trên toàn thế giới, trong bối cảnh nó hiện đang là nguồn vắc xin được cung cấp chính cho Ấn Độ và Cơ chế COVAX.”
Phân tích được thực hiện dựa trên 14.019 trường hợp nhiễm biến thể Delta – 166 trong số đó đã phải nhập viện – trong giai đoạn từ 12 tháng 4 đến 4 tháng 6, khi xem xét các trường hợp cấp cứu ở Anh.
Các bằng chứng đời thực về khả năng chống lại biến chủng Delta này được thu thập với thời gian theo dõi khá hạn chế sau liều thứ hai. Vì vậy có thể ảnh hưởng đến sự ước tính hiệu quả của vắc xin.
Biến thể Delta là một nhân tố chủ chốt gây ra làn sóng lây nhiễm hiện nay ở Ấn Độ và trên thế giới. Gần đây nó đã thay thế biến thể Alpha để trở thành chủng virus ưu thế ở Scotland và là nguyên nhân cho sự gia tăng mạnh các ca bệnh ở Vương quốc Anh. Nhóm Tư vấn Chiến lược của WHO về Tiêm chủng (SAGE) đã đề xuất sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca ở các quốc gia hiện đang có nhiều biến thể mới, ví dụ như biến thể Delta.
Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca, trước đây là AZD1222
COVID-19 Vaccine Astrazeneca được đồng sáng chế bởi Đại học Oxford và công ty Vaccitech. Vắc xin sử dụng vectơ vi-rút mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng vi-rút gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt vi-rút SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công vi-rút SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm vi-rút sau đó.
Vắc xin này đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 80 quốc gia trên sáu châu lục. Hơn 500 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được cung cấp cho 165 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có hơn 100 quốc gia thông qua Cơ chế COVAX.
Astrazeneca
AstraZeneca (LSE/STO/Nasdaq: AZN) là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu tập trung vào việc phát minh, phát triển và thương mại hóa các loại thuốc đặc trị trong ba lĩnh vực chính: Ung thư; Tim mạch, Thận & Chuyển hóa; và Hô hấp & Miễn dịch. Có trụ sở tại Cambridge, Vương quốc Anh, AstraZeneca hoạt động tại hơn 100 quốc gia và các loại thuốc tiên tiến của công ty hiện được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới. Để biết thêm thông tin, truy cập www.astrazeneca.com và theo dõi chúng tôi trên Twitter @AstraZeneca.
AstraZeneca đã hoạt động tích cực tại Việt Nam từ năm 1994, và thực hiện nhiều sáng kiến hợp tác trong nước với mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân và phát triển bền vững. Trong số đó có Chương trình Vì Lá phổi Khỏe hợp tác với Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh – Bộ Y tế nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi; chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên tập trung phòng ngừa và giảm thiểu các hành vi nguy cơ BKLN ở giới trẻ; và chương trình “Năng lượng xanh cho sức khỏe“ nhằm trao tặng hệ thống năng lượng mặt trời cho các cơ sở y tế địa phương. AstraZeneca cũng đang cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Đại học Kinh tế London (LSE) thực hiện Dự án “Hợp tác vì Tính bền vững và khả năng chống chịu của Hệ thống Y tế Toàn cầu” (PHSSR), trong đó Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất, với mục tiêu củng cố và hỗ trợ các hệ thống y tế để ứng phó với những cuộc khủng hoảng.
Thông cáo báo chí phát hành bởi agency Truyền thông EloQ.