Mũi vắc xin nhắc lại của AstraZeneca cung cấp khả năng bảo vệ cao tương đương với vắc xin theo công nghệ mRNA trước biến thể Omicron

Theo đánh giá của các chuyên gia trên hơn 50 nghiên cứu đời thực, mũi nhắc lại (mũi ba) của vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và các vắc xin theo công nghệ mRNA có hiệu quả cao tương đương trong việc ngăn ngừa các hệ quả nghiêm trọng do biến thể Omicron như nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh các biến thể phụ tiếp tục xuất hiện.

Kết quả đánh giá mới được công bố này cho thấy với bất kỳ một liệu trình tiêm 3 mũi vắc xin nào trong đó có sử dụng vắc xin AstraZeneca, đều mang lại hiệu quả bảo vệ cao đối với sự tiến triển bệnh nặng (84,8% – 89,2%*). Liệu trình tiêm 3 mũi vắc xin có sử dụng vắc xin công nghệ mRNA cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ tương tự.1

Các tác giả của nghiên cứu đánh giá này kết luận rằng việc tiêm thêm vắc xin mũi bốn (mũi nhắc lại thứ hai) có thể giúp tăng cường mức độ bảo vệ một cách đáng kể, với kết quả của một nghiên cứu đời thực gần đây thực hiện tại châu Á cho thấy không ghi nhận bất cứ trường hợp bệnh nặng nào do COVID-19 ở những người được tiêm mũi bốn vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin theo công nghệ mRNA trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022.2

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và là một trong những tác giả của chương trình đánh giá, cho biết: “Những dữ liệu đời thực này đã giúp củng cố bằng chứng thể hiện rằng tiêm tăng cường là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh gây quá tải hệ thống y tế trong bối cảnh COVID-19 liên tục đột biến. Ghi nhận tại một số bệnh viện gần đây cho thấy có một số lượng đáng kể các ca bệnh nặng là những người chưa từng tiêm vắc xin, hoặc tiêm vắc xin chưa đủ. Thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả vắc xin COVID-19 là khả năng giúp chúng ta phòng ngừa bệnh nặng, và theo đánh giá của chúng tôi, mũi tiêm nhắc lại bằng các vắc xin đã được sử dụng rộng rãi nhất vẫn giữ vững tiêu chí này.”

22 chuyên gia độc lập về bệnh truyền nhiễm từ Châu Á và Châu Mỹ – Latinh tham gia chương trình đánh giá dữ liệu này đã kết luận rằng một chiến lược tiêm nhắc bền vững có thể  áp dụng hàng năm với tần suất một năm một lần cho dân số chung, và sáu tháng một lần cho các nhóm người dễ bị tổn thương như những người có bệnh mãn tính.1

Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam và là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Trong bối cảnh đại dịch đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu, dữ liệu về liều tiêm nhắc lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược tiêm chủng, có thể là hằng năm dành cho nhóm dân số chung hoặc sáu tháng một lần với nhóm dân số dễ bị tổn thương. Bản đánh giá dữ liệu chuyên sâu này tái khẳng định với các chính phủ và người dân rằng vắc xin vectơ vi rút và vắc xin sử dụng công nghệ mRNA đều có khả năng tăng cường hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh tiến triển nặng do biến thể Omicron, đặc biệt hơn là khả năng bảo vệ đó có dấu hiệu suy giảm rất ít sau 3 tháng.”

Bài báo cáo vừa được xuất bản trực tuyến hôm qua đã phân tích hơn 50 nghiên cứu đời thực trên toàn cầu được lưu trữ trên ViewHub. Đây là một nền tảng tương tác chuyên trực quan hóa dữ liệu toàn cầu về việc sử dụng và tác động của vắc xin, được phát triển bởi Trường Y tế Công cộng Bloomberg của Đại học Johns và Trung tâm Tiếp cận Vắc xin Quốc tế.

Dữ liệu được đánh giá cũng cho thấy liều tăng cường sử dụng các loại vắc xin khác cũng có hiệu quả tốt chống lại biến thể Omicron, nhưng thấp hơn một chút so với vắc xin của AstraZeneca và vắc xin sử dụng công nghệ mRNA.1

Vắc xin của AstraZeneca là vắc xin ‘vectơ vi rút’, có nghĩa là sử dụng một phiên bản không có khả năng gây bệnh của vi rút làm thành phần của vắc xin. Vì vậy nếu sau đó cơ thể tiếp xúc với vi rút thực sự thì sẽ có khả năng kháng bệnh. Công nghệ vắc xin này đã được các nhà khoa học sử dụng trong hơn 40 năm qua để chống lại các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, Zika, Ebola và HIV.3

AstraZeneca và các đối tác khác trên toàn cầu đã cung ứng hơn ba tỷ liều vắc xin cho hơn 180 quốc gia, và khoảng 2/3 số liều này đã được chuyển đến các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Theo dữ liệu của tổ chức phân tích dữ liệu y tế hàng đầu Airfinity, trong 12 tháng đầu tiên được sử dụng kể từ tháng 12/2020, vắc xin của AstraZeneca được ước tính đã giúp cứu sống hơn sáu triệu người trên thế giới.4

Vaxzevria, (ChAdOx1-S [Tái tổ hợp], trước đây là AZD1222)

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được phát minh bởi Đại học Oxford. Vắc xin sử dụng vectơ vi-rút tinh tinh mất khả năng sao chép (dựa trên phiên bản suy yếu của vi-rút cảm lạnh thông thường (adenovirus) gây nhiễm ở tinh tinh) và chứa vật liệu di truyền mã hóa protein gai của vi-rút SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin, các protein gai bề mặt được tạo ra, tạo mồi cho hệ thống miễn dịch để tấn công vi rút SARS-CoV-2 nếu vi rút này sau đó lây nhiễm vào cơ thể.

Vắc xin này đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp ở hơn 125 quốc gia, cũng như nằm trong Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, giúp đẩy nhanh tiếp cận cho 144 quốc gia thông qua Cơ chế COVAX.

Theo thỏa thuận cấp phép phụ với AstraZeneca, vắc xin được sản xuất và cung cấp bởi Viện Huyết thanh của Ấn Độ với tên gọi COVISHIELD.

AstraZeneca

AstraZeneca (LSE/STO/Nasdaq: AZN) là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu với chuyên môn trong lĩnh vực phát minh, phát triển và thương mại hóa các loại thuốc đặc trị trong ba lĩnh vực chính: Ung thư, Bệnh hiếm gặp và Dược phẩm sinh học, trong đó bao gồm Tim mạch, Thận & Chuyển hóa, và Hô hấp & Miễn dịch. Đặt trụ sở chính tại Cambridge, Vương quốc Anh, AstraZeneca hoạt động tại hơn 100 quốc gia và các loại thuốc tiên tiến của Công ty hiện được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web www.astrazeneca.com và tài khoản Twitter @AstraZeneca.

* Phần trong ngoặc đơn cho thấy nguy cơ tiến triển bệnh nặng hoặc tử vong ở những người được tiêm 3 liều vắc xin COVID-19 (có bao gồm vắc xin AstraZeneca) giảm 84,8% đến 89,2% so với nhóm dân số chưa được tiêm vắc xin. Điều này nghĩa là nếu có 100 ca bệnh nặng hoặc tử vong ở nhóm người chưa tiêm vắc xin, thì chỉ có ít hơn 16 ca như vậy ở nhóm người đã được tiêm liệu trình cơ bản và liều tăng cường của vắc xin COVID-19.

Tham khảo

  1. Solante R, Alvarez-Moreno C, Burhan E et al. Expert Review of Global Real-World Data on COVID-19 Vaccine Booster Effectiveness & Safety during the Omicron-dominant phase of the pandemic. September 2022, REPRINT (Version 1) available at Research Square.
  2. Intawong K, et al. Heterologous third and fourth dose vaccine to reduce severity and mortality in COVID-19 patients during delta and omicron predominance: A cohort study in Chiang Mai, Thailand. Research Square 2022. Preprint published online, not peer reviewed, https://www.researchsquare.com/article/rs-1973470/v1. Accessed August 2022.
  3. Sai V Vemula & Suresh K Mittal (2010). Production of adenovirus vectors and their use as a delivery system for influenza vaccines. Expert Opinion on Biological Therapy, 10:10, 1469-1487, DOI: 10.1517/14712598.2010.519332.
  4. Data on file.

 

Thông cáo báo chí phát hành bởi agency Truyền thông EloQ.